Đến nay, Hà Lan có 2.500 HTX hoạt động đóng góp 18% GDP của nền kinh tế. Thu nhập bình quân của người nông dân là 600.000 Euro/năm. HTX nông nghiệp chiếm 68%, Hà Lan cũng là quốc gia đứng thứ 2 trên thế giới về số lượng HTX.
Để có sự thành công trên, các HTX được tổ chức theo mô hình "từ dưới lên trên". Lợi ích của các thành viên tài chính là kết nối kinh doanh giữa HTX và thành viên, không liên quan đến vốn cổ phần.
HTX tăng vốn chủ yếu thông qua tích lũy từ lợi nhuận chứ không phải từ vốn góp của thành viên. Môi trường pháp lý với sự linh hoạt chi tiết bằng Điều lệ HTX. Mỗi HTX là duy nhất và độc đáo và có kế hoạch sản xuất riêng của mình.
GS.TS. Nguyễn Thị Lan - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện cùng Thứ trưởng Bộ NNPTNT Việt Nam Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Hà Lan cắt băng khởi động dự án OKP.
Trong quá trình phối hợp triển khai hỗ trợ phát triển các HTX tại Việt Nam, Agriterra nhận thấy các điểm yếu còn tồn tại ở các HTX đó là: Lòng tin của các thành viên với HTX; các HTX gặp khó khăn trong việc kết nối đầu ra cho sản phẩm; quản trị kinh doanh còn nhiều hạn chế; khó tiếp cận với các nguồn vốn hỗ trợ.
Đa số thành viên quản trị HTX đã lớn tuổi, khó tiếp cận công nghệ thông tin trong thời đại công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ hiện nay.
Chuyên gia Hà Lan chia sẻ kinh nghiệm cho các học viên tham gia khóa tập huấn
Nhằm cung cấp kiến thức cho các hợp tác xã nông nghiệp và các nông dân là thành viên hợp tác xã thông qua các khóa đào tạo và tập huấn/trình diễn các công nghệ mới; thích ứng và phát triển các công nghệ đột phá cho lĩnh vực rau-hoa-quả, nông nghiệp sản xuất trong nhà lưới, ngoài trời và các chuỗi giá trị liên quan khác; cải thiện mối liên kết thị trường của các hợp tác xã nông nghiệp và các hộ nông dân quy mô nhỏ với thị trường trong nước và quốc tế, Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp cùng 05 trường đại học, tổ chức phát triển, doanh nghiệp của Hà Lan triển khai dự án "Tăng cường năng lực cho ngành hàng rau quả tại miền Bắc và Trung Việt Nam" do Chính phủ Hà Lan tài trợ từ năm 2019-2021 thông qua chương trình Orange Knowlegde Program (OKP).
Nội dung dự án gồm 03 nội dung trụ cột xoay quanh phát triển, chuyển giao tri thức và công nghệ mới cho Hợp tác xã nông nghiệp, đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên HTX, phát triển nguồn nhân lực tri thức trẻ làm việc tại hợp tác xã và hỗ trợ kết nối thị trường một số chuỗi giá trị nông sản của các hợp tác xã nông nghiệp.
Khoá đào tạo cán bộ HTX do Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Trường Đại học Wageningen, Hà Lan tổ chức.
Từ đầu năm 2019 đến tháng 7 năm 2020, dự án đã tổ chức 05 khoá tập huấn cho hàng trăm lượt cán bộ của Bộ NNPTNT, Liên minh HTX, Bộ GD&ĐT, các trường nghề, viện nghiên cứu từ nhiều địa phương trong cả nước bao gồm: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Ninh Bình, Phú Thọ, Lào Cai, Thừa Thiên - Huế, Bình Phước, Hậu Giang, Cà Mau….
Dự án hứa hẹn sẽ đem lại những bước tiến đột phá cho nông nghiệp nước ta và phục vụ tốt các chương trình đào tạo nông nghiệp công nghệ cao và bền vững trong thời gian tới, phát huy tốt hơn và tiếp tục nâng cao vai trò của HTX trong nền kinh tế nhiều thành phần của Việt Nam trong thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Hợp tác xã là một thành phần kinh tế quan trọng, là nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Qua hơn 18 năm triển khai thực hiện Nghị quyết và hơn 8 năm kể từ khi Luật Hợp tác xã năm 2012 được thông qua, khu vực HTX đã có bước phát triển và đạt được nhiều kết quả tích cực, số HTX hoạt động hiệu quả không ngừng tăng lên.
Trong năm 2019, cả nước đã thành lập mới 18 liên hiệp HTX, 2.431 HTX và 9.500 tổ hợp tác (THT). Trong tổng số các HTX toàn quốc, có 15.312 HTX nông nghiệp, chiếm 62,2% tổng số HTX, tăng 1.783 HTX (13%) so với năm 2018; 9.136 HTX phi nông nghiệp (trong đó có 1.182 quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), chiếm 4,8% tổng số HTX; 8.124 HTX các lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ, xây dựng, giao thông vận tải, môi trường, nhà ở…
Tác giả bài viết: Khánh Nguyên
Nguồn tin: danviet.vn
Ý kiến bạn đọc