Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Hà Lan - Ngài Mark Rutte và Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp, Tự nhiên và Chất lượng thực phẩm - Bà Sonnema tới Việt Nam, Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo “Hợp tác – Thúc đẩy Đổi mới Sáng tạo trong Kinh doanh Nông nghiệp” diễn ra vào chiều ngày 09/4/2019 tại khách sạn Melia, Hà Nội. Tham dự Hội thảo về phía Học viện có GS.TS. Nguyễn Thị Lan – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện, GS.TS. Trần Đức Viên – Chủ tịch Hội đồng Học viện, đại diện Ban HTQT, Ban KHCN, Khoa Kế toán và QTKD, Khoa Kinh tế và PTNT, Khoa Nông học, Viện Nghiên cứu và PTCT, TT Quan hệ công chúng và Hỗ trợ sinh viên. Ngoài ra, Hội thảo còn có sự tham gia của hơn 70 doanh nghiệp hàng đầu Hà Lan cùng lãnh đạo các bộ, ngành, các doanh nghiệp và cơ quan nghiên cứu của Việt Nam.
Toàn cảnh Hội thảo
Việt Nam và Hà Lan tuy cách xa nhau về địa lý nhưng đã có mối quan hệ giao thương từ lâu đời. Đầu thế kỷ 17, các đội tàu buôn của Công ty Đông Ấn Hà Lan đã cập cảng Hội An ở tỉnh Quảng Nam, góp phần đưa cảng Hội An tham gia vào mạng lưới thương mại toàn cầu, đồng thời cũng đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng cho mối giao thương giữa Việt Nam và Hà Lan.
Hà Lan hiện là nhà đầu tư châu Âu lớn nhất ở Việt Nam với tổng số vốn đăng ký đến nay trên 9,5 tỷ USD, với những tập đoàn nổi tiếng như Heineken, Unilever, Shell... Năm 2018, kim ngạch song phương đạt trên 7,84 tỷ USD (chiếm khoảng 1,6% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước, gần 14,6% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam với các nước EU). Năm 2018 đã có gần 80.000 lượt du khách Hà Lan tới thăm đến Việt Nam, đứng thứ 4 châu Âu.
Trong lĩnh vực Nông nghiệp, Hà Lan được xem là cường quốc trong khắc phục thiên tai để phát triển nông nghiệp giá trị cao và bền vững. Với diện tích đất tự nhiên nhỏ bé (chỉ bằng khoảng 1/8 Việt Nam) và điều kiện khó khăn (2/3 diện tích đất đai trước đây bị ngập nước do thấp hơn mực nước biển), và chỉ với 2% số người lao động làm trong nông nghiệp (tổng dân số của Hà Lan khoảng 17 triệu), Hà Lan phát triển 60% diện tích nhà kính của thế giới, tạo ra nhiều chuỗi ngành hàng giá trị cao và xuất khẩu nông sản của Hà Lan những năm gần đây là hơn 110 tỷ USD, đứng thứ 2 sau Hoa Kỳ.
Tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Việt Long – Phó Trưởng ban Hợp tác Quốc tế thay mặt nhóm Dự án OKP gồm Học viện Nông nghiệp Việt Nam và 05 Trường Đại học, Tổ chức phát triển, Doanh nghiệp của Hà Lan giới thiệu về dự án “Tăng cường năng lực cho ngành hàng rau quả tại miền Bắc và Trung Việt Nam” do Chính phủ Hà Lan tài trợ từ năm 2019-2021 thông qua chương trình Orange Knowlegde Program (OKP). Nội dung chính của dự án bao gồm: (i) Học viện Nông nghiệp Việt Nam xây dựng trung tâm nghiên cứu, đổi mới công nghệ, mô hình trình diễn ngành hàng rau hoa quả phục vụ đào tạo và phát triển các công nghệ tích ứng cho Việt Nam; (ii) Xây dựng Trung tâm tri thức Hợp tác xã nông nghiệp và (iii) Hỗ trợ người sản xuất, hợp tác xã tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế, phát triển một số chuỗi giá trị rau quả bản địa.
PGS.TS. Nguyễn Việt Long – Phó Trưởng ban Hợp tác Quốc tế giới thiệu dự án tại buổi Hội thảo
Tại buổi Hội thảo, GS.TS Nguyễn Thị Lan đã cùng Thứ trưởng Bộ NN&PTN Việt Nam Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Hà Lan cắt băng khởi động dự án OKP.
Lễ cắt băng khởi động dự án OKP
Đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Thông tin về dự án nâng cao năng lực ngành rau hoa quả tại miền Bắc và miền Trung Việt Nam OKP: Tại đây
Ban HTQT, Lan Hương – TT QHCC&HTSV
Ảnh: Phúc Việt – TT QHCC&HTSV
Tác giả bài viết: Ban HTQT, Lan Hương – TT QHCC&HTSV
Ý kiến bạn đọc